UBND xã Khánh Thủy huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình
Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

NGHI LỄ RƯỚC KIỆU VÀ TẾ NỮ QUAN TẠI DI TỊCH LỊCH SỬ ĐỀN ĐỒI DỊP ĐẦU XUÂN

Thứ hai, 05/12/2022

Cứ đầu xuân hàng năm miền quê Khánh Thủy lại rộn ràng với nghi lễ rước kiệu tại Đền đồi, đây là nét văn hóa tạo nên sức sống trường tồn cho một miền quê giàu bản sắc văn hóa.

Cứ đầu xuân hàng năm miền quê Khánh Thủy lại rộn ràng với nghi lễ rước kiệu tại Đền đồi, đây là nét văn hóa tạo nên sức sống trường tồn cho một miền quê giàu bản sắc văn hóa.

Nghi Lễ rước kiệu và tế nữ quan tại di tích lịch sử văn hoá Đền Đồi trong dịp đầu xuân Nhâm Dần năm 2022

Nằm trên vùng đất phía nam huyện Yên Khánh di tích lịch sử Đền Đồi là một công trình lịch sử văn hoá đã được UBND Tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hoá. Hằng năm, cứ vào ngày 15 tháng Giêng, con cháu trên địa bàn xã  lại tụ hội về đây để chiêm bái, thực hành tín ngưỡng và chứng kiến những nghi lễ truyền thống của di tích. Trong đó, lễ rước kiệu và tế nữ quan là nghi lễ trọng đại, được nhân dân mong chờ nhất.

Theo các cụ cao niên tại địa phương kể lại,  từ những năm đầu thế kỷ XX với những biến cố thăng trầm, cho đến nay lễ hội vẫn tồn tại . Đây là lễ hội diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, mở đầu cho chuỗi lễ hội mùa xuân. Nghi lễ chính của lễ hội là rước kiệu và tế nữ quan - một nghi lễ đặc biệt để tưởng nhớ về nguồn cội, tri ân công đức ác vị tiền nhân đã có công khai khoang lập ấp tại nơi đây.

Theo nghi thức truyền thống, để chuẩn bị cho lễ rước kiệu và tế nữ quan vào ngày 15 tháng Giêng, trước đó mấy ngày, Ban phụng sự tế lễ của đền phải chuẩn bị chu đáo mọi công việc, từ chuẩn bị chúc văn, lễ vật dâng cúng; sắp xếp, bày biện đồ thờ cúng, lau chùi kiệu rước, cho đến quét dọn các tòa đền và sân hành lễ. Đặc biệt, việc lựa chọn những người tham gia đội tế lễ phải được thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng. Yêu cầu chung của đội  tế nữ cần 21 nữ thanh tân, khỏe mạnh, xinh xắn, phẩm hạnh tốt.

Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, đến sáng sớm 15 tháng giêng, các thành viên Ban phụng sự tế lễ và nhân dân tập trung đông đủ ở sân Đền - nơi thờ thành hoàng làng bản thổ đã có công khai khoản vung đất nơi đây. Ai nấy đều trong trang phục nghiêm chỉnh, đẹp đẽ và đủ sắc màu. Đúng 7 giờ, đoàn rước kiệu thánh gồm 21 nữ thanh tân, khỏe mạnh, xinh xắn, phẩm hạnh tốt, khởi hành rước kiệu từ đình vòng quanh làng một vòng. Đi đầu đoàn rước là đội cờ ngũ hành và cờ thần, tiếp đến là các cô gái mang lễ vật dâng cúng (gồm 5 tráp bánh, quả, rượu, trà, trầu và hương, hoa, mâm cơm chay, cơm mặn), rồi đến phường bát âm, đội chấp kích bát cửu, kiệu thánh - kiệu bát cống sơn son thiếp vàng. Sau cùng là các vị chức sắc, bô lão mặc áo dài khăn đóng, các vãi già mặc áo tứ thân và dân làng.

Khi rước vòng quanh làng một vòng song kiệu được rước từ ngoài đường vào đền chính. Vào tới sân đền, đoàn rước hạ kiệu và tiến hành nghi lễ tế nữ quan. Trong tiếng trống chiêng trầm hùng, đèn nến lung linh, tiếng nhạc bát âm réo rắt, tỏa ngát hương trầm, 21 nữ thanh tân trong trang phục áo dài, đầu đội mấn, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, riêng chủ tế mặc áo màu đỏ bắt đầu làm lễ khai tế; rước ẩm thực, rước chúc và làm lễ dâng hương, đọc sớ báo cáo Mẫu về kết quả mà con cháu trong làng đã đạt được trong năm qua; đồng thời cầu mong cho dân làng một năm mới bình an, no đủ và thịnh vượng.

 Trải qua năm tháng, đến nay lễ hội rước kiệu đã trở thành phong tục văn hóa đặc trưng tiêu biểu, không thể thiếu của người dân xã Khánh Thuỷ  nói chung mỗi dịp tết đến, xuân về. 

Tác giả:Bùi Văn Tính - Công chức Văn hóa xã hội xã Khánh Thủy

Dữ liệu đang được cập nhật

Thông tin truy cập

Truy cập: 5462

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 14